Hồng Hà- 61 năm kết tinh giá trị

Thứ Năm, 25/02/2021, 23:46

Hồng Hà là thương hiệu văn phòng phẩm quen thuộc, gần gũi với bao thế hệ người Việt trong suốt 61 năm qua. Thương hiệu gắn liền với những thăng trầm của đất nước, biến động của thời cuộc và những thay đổi của nhiều thế hệ. Câu chuyện lịch sử của Hồng Hà với chặng đường nhiều khó khăn, thử thách nhưng kiêu hãnh, đáng tự hào sẽ được tái hiện qua bài viết sau.

1. Thời kỳ xây dựng, sản xuất và chiến đấu (1959 – 1975)

Đây là thời kỳ Hồng Hà hình thành và bước đi những bước đầu tiên. Những con người Hồng Hà thực hiện song hành 2 nhiệm vụ “sản xuất” và “chiến đấu”.

1.1. Giai đoạn xây dựng (1959 – 1965)

Giai đoạn 1959 – 1965 là khoảng thời gian đất nước đang bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Để góp phần vào nhiệm vụ chống giặc dốt và hưởng ứng lời thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý tưởng thành lập Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà đã ra đời.

Ngày 1/10/1959, Nhà máy quốc doanh Văn phòng phẩm Hồng Hà – đơn vị sản xuất văn phòng phẩm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa chính thức được thành lập. Nhà máy được xây dựng trên nền một xưởng sửa chữa ô tô mang tên “Stai” của Pháp để lại, tại số 25, phố Lý Thường Kiệt, thủ đô Hà Nội.

Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà
Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà

Sau đó nửa năm, ngày 27/3/1960, Văn phòng phẩm Hồng Hà vinh dự đón Bác Hồ về thăm nhà máy. Theo lời Bác dặn, các cán bộ nhân viên nhà máy đã tích cực sản xuất, cho ra đời những sản phẩm có chất lượng sánh ngang hàng ngoại nhập. Nhờ đó, thương hiệu Hồng Hà đã nổi tiếng trên khắp miền Bắc lúc bấy giờ.

Năm 1962, Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba

1.2. Giai đoạn sản xuất và chiến đấu (1965 – 1975)

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu triển khai cuộc chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, những người công nhân thuộc các phân xưởng của Hồng Hà đều đi khám sức khỏe, xung phong ra tiền tuyến.

Trung đội mang tên Hồng Hà đã được thành lập, họ hăng hái lên đường ra tiền tuyến và mang theo vật phẩm Hồng Hà làm kỷ niệm (hình ảnh đươc tái hiện lại)
Trung đội mang tên Hồng Hà đã được thành lập, họ hăng hái lên đường ra tiền tuyến và mang theo vật phẩm Hồng Hà làm kỷ niệm (hình ảnh đươc tái hiện lại)

Nhiều CBCNV xung phong ra tiền tuyến, một phần nhà máy phải sơ tán về vùng nông thôn khiến Hồng Hà đứng trước khó khăn thiếu nhân lực sản xuất, máy móc phân tán, thiếu vật tư, tình trạng thiếu điện, bị cắt điện thường xuyên xảy ra. CBCNV Hồng Hà lại cùng nhau tăng ca, tiếp tục sản xuất khắc phục khó khăn.

Trong giai đoạn này, cây bút Hồng Hà vẫn là vật dụng quen thuộc gắn bó với những người dân đất Việt. Những cây bút đã đồng hành cùng người Việt ở nơi sơ tán, trú ẩn là phương tiện gửi gắm lời ân tình của quê hương đến người chiến sĩ…

2. Thời kỳ khôi phục và kiến thiết (1975 – 1986)

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất một nhà. Tuy nhiên, Hồng Hà lại đứng trước khó khăn mới khi nhà nước chủ trương thả nổi nhiều ngành sản xuất, trong đó có văn phòng phẩm. Nguồn cung cấp điện, vật tư, nguyên liệu đều bị hạn chế. Hơn nữa, có một số cán bộ được điều động vào miền Nam, cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của Hồng Hà.

Nhưng những khó khăn đó không thể khuất phục được người Hồng Hà. Hòa chung với chủ trương “Có người là có việc, có việc là có mức, có mức là có năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” của nhà nước, người Hồng Hà cùng nhau khắc phục, đẩy lùi khó khăn, hoàn thành kế hoạch sản xuất.

Năm 1982 đánh dấu bước phát triển mới và sự mở rộng quy mô của Hồng Hà khi nhà máy bút Kim Anh được sáp nhập. Ngay sau khi sáp nhập, toàn bộ máy móc của nhà máy Kim Anh đều được đưa vào hoạt động và đạt hiệu quả cao.

Tái hiện lại nhà máy Hồng Hà thời kỳ khôi phục và kiến thiết
Tái hiện lại nhà máy Hồng Hà thời kỳ khôi phục và kiến thiết

3. Thời kỳ thử thách và phát triển (1986 – 2018)

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới kéo theo những khó khăn và thử thách mới. Những con người Hồng Hà vẫn luôn vững tay chèo để vượt qua mọi sóng to, gió lớn.

3.1. Giai đoạn thử thách (1986 – 1997)

Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều chính sách mở cửa kinh tế. Hồng Hà phải tự chủ kinh doanh, cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Khó khăn lúc này liên quan đến tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, nhân công phải rút bớt, tài chính kiệt quệ, nhà máy lao đao…

Hồng Hà đã ký hợp đồng với nhà máy pin để sản xuất mũ pin hay ký hợp đồng với nhà máy công tơ điện để sản xuất linh kiện… để nhân công có việc làm thêm.

Năm 1995, Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà được đổi thành Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà. Đồng thời, Hồng Hà ra nhập Tổng công ty Giấy Việt Nam, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế mới, mở ra hướng phát triển mới cho công ty.

Cũng trong giai đoạn này, Hồng Hà đã vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba (1996).

3.2. Giai đoạn phát triển (1997 – 2018)

Là 1 thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam nên Hồng Hà có nhiều điều kiện để phát triển ngành hàng giấy vở. Tuy nhiên ở thời điểm này, quy chế đầu tư rất ngặt nghèo nên vẫn gặp phải nhiều khó khăn.

Để có thể định ra mức sản lượng bình quân của người lao động một cách chính xác, cán bộ Hồng Hà đã phải tự tay may gáy vở. Sản phẩm vở đầu tiên của Hồng Hà đưa ra thị trường là vở gáy may, sau đó mới phát triển đến vở gáy ghim.

Vì khó khăn, những quyển vở đầu tiên của Hồng Hà phải may gáy bằng máy may
Vì khó khăn, những quyển vở đầu tiên của Hồng Hà phải may gáy bằng máy may

Để giải quyết khâu tiêu thụ, Hồng Hà đã quyết định phát triển nhân sự cho thị trường, marketing. Cụ thể là nhân viên bán hàng và vị trí quản lý.

Chỉ sau vài năm mở rộng triển khai, ngành hàng giấy vở đã trở thành ngành hàng chủ lực của Hồng Hà. Công ty không những phục hồi mà còn trả được hết tiền lỗ tồn đọng của các năm trước và bảo tồn được số vốn mà nhà nước đã giao cho quản lý.

Để phát triển hơn nữa và nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, năm 2002, Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000 cho ngành hàng giấy vở.

Năm 2005, thực hiện chủ trương cổ phần hóa, Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà đổi tên thành Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà với mô hình sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới. Cũng trong năm này, công ty di chuyển sang trụ sở mới tại 672, Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội khang trang và rộng rãi hơn.

Sau 10 năm thực hiện cổ phần hóa, Hồng Hà đã phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2006, tổng doanh thu chỉ đạt 183,4 tỷ thì đến năm 2014, doanh thu đã chạm mốc 525 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 45,2 tỷ đồng. Hồng Hà cũng đã xây dựng được hệ thống gần 100 nhà phân phối, gần 10.000 điểm bán lẻ trên cả nước.

Trong giai đoạn này, Hồng Hà cũng đã đạt được nhiều giải thưởng, bằng khen… quan trọng như:

  • Hàng Việt Nam chất lượng cao (liên tục từ 1997 đến 2018).
  • Giải thưởng Sao vàng Đất Việt (2003, 2005, 2007, 2008, 2009, 2010, 2015, 2016, 2018)
  • Top 100 thương hiệu mạnh toàn quốc (2004, 2009)
  • Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công Thương (2007, 2008, 2009)
  • Giải thưởng Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ tiêu biểu (2007, 2008, 2009)
  • 4 lần liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia từ 2012, 2014, 2016, 2018
  • Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu xuất sắc (2015)
  • Top 1 Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích (2018)…
Hồng Hà đạt giải Sao vàng đất Việt năm 2018
Hồng Hà đạt giải Sao vàng đất Việt năm 2018

Bên cạnh việc đầu tư phát triển sản xuất, Hồng Hà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội và nhân đạo mang ý nghĩa cộng đồng như:

  • Phối hợp cùng Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức Ngày hội “Trạng nguyên nhỏ tuổi” và “Viết chữ đẹp Nét chữ – Nết người” toàn quốc.
  • Phối hợp cùng Tạp chí Toán tuổi thơ tổ chức “Câu lạc bộ Olympic toán tuổi thơ toàn quốc” để ươm mầm tài năng trẻ.
  • Tài trợ học phẩm cho các em học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó.
  • Nhận đỡ đầu cho làng trẻ em Birla Hà Nội.

4. Thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế (2018 – nay)

Với mục tiêu trở thành đơn vị văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực, Hồng Hà đã không ngừng nỗ lực thay đổi để bứt phá:

  • Thay đổi nhận diện: Làm mới bộ nhận diện thương hiệu theo phong cách hiện đại, mạnh mẽ, dễ nhớ, có tính quốc tế nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống.
  • Thay đổi không gian mua sắm tại các các showroom: Mang đến cho  người tiêu dùng một không gian mua sắm hoàn hảo, thoải mái, tiện dụng và chuyên nghiệp.
  • Nghiên cứu và phát triển: Chủ động hội nhập với thời đại mới trong công cuộc hợp tác quốc tế, có cách nhìn mới trong việc định hướng phát triển.
  • Sản xuất: Đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới để đem đến những sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng.
Hồng Hà ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới đánh dấu mốc son 60 năm xây dựng và phát triển
Hồng Hà ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới đánh dấu mốc son 60 năm xây dựng và phát triển

Tâm huyết, trái tim, tình người và cả cuộc đời của những con người Hồng Hà là kết tinh giá trị thương hiệu trong 61 năm qua. Thế hệ người Hồng Hà hôm nay và mai sau sẽ viết tiếp những trang sử mới – những trang sử thể hiện khát vọng Hồng Hà!