62 năm qua, hòa cùng dòng chảy của thời gian, hai tiếng Hồng Hà không chỉ còn là một thương hiệu mà đã ghi dấu sâu đậm và thân thương vào tâm trí của những người cán bộ công nhân viên dù đang làm việc hay đã từng có một thời gắn bó.
Giống như dòng sông Hồng chảy qua xứ sở Việt từ xa xưa cho tới tận bây giờ, người ta ví nó đẹp như những nét hoa văn mĩ miều thêu trên dải yếm xanh mướt của miền đồng bằng Bắc bộ – tên gọi Hồng Hà trở nên thân thương như cách nó dung dưỡng bao nhiêu tâm hồn của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên Nhà máy Quốc doanh Văn phòng phẩm Hồng Hà – nay là Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà.
Một góc nghỉ ngơi của những người công nhân Hồng Hà. Ảnh tư liệu.
Chắc sẽ rất hiếm có ở nơi đâu, những người đồng nghiệp lại gọi nhau là anh – em, là người thân, là gia đình và tự hào khi nhắc về nơi mình công tác một cách thân thương như: “tôi là một người con Hồng Hà”. Suốt 62 năm hình thành và phát triển, có biết bao nhiêu thế hệ đã gắn bó với Hồng Hà như thế, có những người đã dành cả cuộc đời lao động, cống hiến và về hưu, có những thế hệ có đến 10, 20 năm công tác, và cả một thế hệ trẻ không biết từ bao giờ đã thấu hiểu và trân quý một truyền thống văn hóa cũng không biết đã hình thành từ bao giờ. Chỉ biết đó là một khối tài sản vô giá mà các thế hệ đi trước đã cống hiến, hi sinh trí tuệ, sức người và cả xương máu để truyền lại cho thế hệ sau và còn tiếp tục được lưu truyền, bồi đắp cho lớp lớp thế hệ tương lai.
Những người con Hồng Hà vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ Nhà máy
những năm 1970. Ảnh tư liệu.
Đã từng gắn bó gần 10 năm tại Văn phòng phẩm Hồng Hà, trải qua nhiều nhiệm vụ công tác – anh Nguyễn Văn Bằng vẫn luôn đau đáu nỗi niềm của một người Hồng Hà mỗi lần nhớ về nơi mình yêu mến. Với anh Bằng, dù điều kiện không thể tiếp tục gắn bó, nhưng điều khiến anh vui nhất là sưu tầm được những kỉ vật hay những văn hóa phẩm có ý nghĩa đối với Hồng Hà. Không chỉ riêng anh Bằng, tất cả những người con Hồng Hà dù đã rời xa ngôi nhà chung này nhiều năm, họ vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt và luôn tự hào mỗi khi kể về những kỉ niệm, những câu chuyện mà với họ sẽ chỉ có ở Hồng Hà.
Hai bài báo viết về Hồng Hà trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật năm 1972 và trên Báo Lao động năm 1978 được anh Bằng đóng khung cẩn thận và gửi tặng Hồng Hà
nhân dịp kỉ niệm 62 năm thành lập.
62 năm, lật những trang mới của cuốn sách truyền thống – tương lai, chặng đường lịch sử đã đi qua như lửa thử vàng, tôi luyện nên ý chí, sức mạnh của người con Hồng Hà, bồi đắp thêm tinh thần đoàn kết, sẵn sàng cùng nhau vượt qua mọi thử thách. Giờ đây, ở khắp mọi miền của tổ quốc, những người con ấy vẫn hướng về Hồng Hà và sẽ tiếp tục viết tiếp bản hùng ca của truyền thống văn hóa đầy tự hào, viết tiếp nên một tương lai đầy kiêu hãnh – một tương lai của khát vọng Hồng Hà.